Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không? Đây chắc chắn là câu hỏi được nhiều người dân thắc mắc khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tặng cho và sang tên sổ đỏ. Bài viết dưới đây của BannhaTanBinh sẽ giải đáp thắc mắc trên của quý khách như sau:
Ký giáp ranh đất là gì theo quy định 2023?
Theo quy định hiện hành tại Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn khác thì không có quy định ký giáp ranh đất là gì. Tuy nhiên, dựa trên các quy định khác thì có thể hiểu ký giáp ranh đất là người sử dụng đất liền kề sẽ ký xác nhận ranh giới thửa đất, ghi ý kiến với thửa đất liền kề là có tranh chấp gì hay không. Ranh giới thửa đất được hiểu là đường gấp khúc tạo bởi các cạnh thửa nối liền, bao khép kín phần diện tích thuộc thửa đất đó.
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định cách xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất như sau:
“2.1. Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 kèm theo Thông tư này cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp sau đây:
a) Thửa đất có giấy tờ thỏa thuận hoặc văn bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ ranh giới sử dụng đất mà ranh giới hiện trạng của thửa đất không thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó;
b) Thửa đất có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề và hiện trạng ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ hiện có;
c) Đối với thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định, rõ ràng trên thực địa thì không phải lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất nhưng sau khi có bản đồ thể hiện hiện trạng sử dụng đất phải công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư trong thời gian tối thiểu là 10 ngày liên tục, đồng thời phải thông báo rộng rãi cho người sử dụng đất biết để kiểm tra, đối chiếu; hết thời gian công khai phải lập Biên bản xác nhận việc công khai bản đồ địa chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 kèm theo Thông tư này;
2.2. Trường hợp trên giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất có sơ đồ thể hiện ranh giới thửa đất nhưng khác với ranh giới thửa đất theo hiện trạng khi đo vẽ thì trên Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất phải thể hiện ranh giới theo hiện trạng và ranh giới theo giấy tờ đó.
2.3. Trường hợp ranh giới thửa đất đang có tranh chấp thì trên Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện đồng thời theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và theo ý kiến của các bên liên quan.
….”
Làm sổ đỏ có phải ký giáp ranh không?
Theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các bước là Chuẩn bị và Nộp hồ sơ; Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu, sau cùng sẽ trả kết quả về việc cấp Giấy chứng nhận.
– Theo khoản 2 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ như sau:
+ Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; nếu không có giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, sự phù hợp với quy hoạch.
+ Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện công việc trên, UBND cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất nộp.
+ Niêm yết công khai kết quả kiểm tra tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
– Theo khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến UBND xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả như nội dung thực hiện theo quy định trên.
+ Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp.
+ Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận.
+ Cập nhật thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
+ Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu tiền.
+ Chuẩn bị hồ sơ để trình ký cấp Giấy chứng nhận, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.
– Theo khoản 4 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường như sau:
+ Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp thuê đất thì trình UBND quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
+ Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Như vậy, quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về thủ tục để được cấp Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho cá nhân, hộ gia đình, luật đất đai không quy định thủ tục phải có ký giáp ranh. Do vậy, việc ký giáp ranh là không phải là thủ tục bắt buộc khi tiến hành cấp sổ đỏ.
Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không?
Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không? Để giải đáp câu hỏi này, căn cứ theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi đáp ứng 4 điều kiện sau:
“a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Theo đó, tại 04 điều kiện này thì chỉ đề cập đến đất không có tranh chấp chứ không buộc phải ký giáp ranh để xác định có hay không có tranh chấp đất đai.
Căn cứ Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc dưới đây sau khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký biến động trong trường hợp chuyển nhượng:
“a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”
Theo đó, khi kiểm tra hồ sơ nếu có đủ điều kiện thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc theo thẩm quyền như trên. Trong đó, không có quy định yêu cầu xác nhận hiện trạng thửa đất như thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, nghĩa là chưa có quy định ký giáp ranh khi chuyển nhượng.
Như vậy, dựa vào các quy định nêu trên, hiện chưa có văn bản nào bắt buộc khi chuyển nhượng phải ký giáp ranh để xác định có hay không có tranh chấp đất đai. Chính vì vậy đối với câu hỏi Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không thì câu trả lời là khi chuyển nhượng đất không buộc phải ký giáp ranh.
Trên đây là bài viết của BannhaTanBinh nhằm cung cấp thông tin cho câu hỏi Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không? Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ đường dây nóng 0989 19 98 98 để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất nhé!
Xem thêm bài viết: Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng QSDĐ tại TP.HCM từ 1/6/2023